Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Hiểu rõ nguyên lý và cách xếp hạng của Google

Mục đích của Google là hiển thị các kết quả có liên quan nhất và chất lượng cao nhất dựa trên những gì người dùng gõ vào thanh tìm kiếm.  Đây chẳng phải là công việc dễ dàng.  Bởi vậy, nếu ai đó mở Google và gõ vào: “Blog là gì?”; làm thế nào Google biết được trang nào nên được xếp hạng đầu tiên?  Vì thực tế  có hàng triệu trang web nói về blog.
Google nhìn vào các yếu tố SEO trên trang (SEO on-page) và các yếu tố SEO ngoài trang (SEO off-page) để xác định thứ hạng của trang.
Các yếu tố trên trang bao gồm các thứ như: tựa đề bài viết, chất lượng ngữ pháp, cách sử dụng truy vấn tìm kiếm (từ khóa) trong bài viết, và hơn thế nữa.  Bởi vậy, một bài viết có tiêu đề “Blog là gì” thì có vẻ được xếp hạng cao hơn bài viết có tiêu đề là “Nguồn gốc của Blog”.  Thêm vào đó, việc đưa truy vấn tìm kiếm thực sự (từ khóa) vào bài viết (không chỉ đưa vào trong tiêu đề mà thôi) cũng giúp Google biết được bài viết nên được xếp hạng theo cụm từ đó.
Tuy nhiên, các yếu tố trên trang này chỉ là một phần của vấn đề. Các yếu tố ngoài trang cũng rất quan trọng.  Chúng bao gồm các liên kết (các trang web khác tham chiếu tới trang của bạn bằng siêu liên kết (hyperlink)), các yếu tố xã hội (bao nhiêu người đang nói về trang web này), và độ uy tín của trang (page authority) liên kết tới trang của bạn hay trang đang nói về trang trang web của bạn. Như bạn có thể thấy, khi Google phải nhìn vào hàng triệu trang web mà tất cả chúng đều nói về cùng một chủ đề gì đó thì đó chẳng phải là công việc dễ dàng gì; nhưng hướng dẫn cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được quy trình chọn lọc của Google.

Kết quả tìm kiếm tự nhiên và kết quả tìm kiếm có trả tiền

Nói chung  Google hiển thị khoảng 10 kết quả tìm kiếm “tự nhiên” trên mỗi trang.  Kết quả tìm kiếm “tự nhiên” là kết quả KHÔNG phải trả tiền.  Bởi vậy, nếu như bạn có một trang web có liên quan nhất và chất lượng cao nhất theo truy vấn tìm kiếm cụ thể, bạn có thể được xếp hạng miễn phí trên trang đầu của Google! Sướng nhé :D
Tuy nhiên, cũng có vài kết quả “được trả tiền”.  Chúng thường hiển thị trên cùng của những kết quả hoặc ở cột bên phải. Hãy xem bức ảnh này để thấy sự khác biệt giữa các kết quả tìm kiếm được trả và kết quả tự nhiên:
search results

Tầm quan trọng của từ khóa liên quan

Nói chung, bạn chớ viển vông mong được xếp hạng cao trên Google nếu bạn không đưa từ khóa vào bài viết của mình.  Điều này rõ ràng là hợp lý. Ví dụ khi người dùng tìm kiếm từ khóa “làm blog thế nào” thì trang web nói về chủ đề “làm blog thế nào” sẽ được xếp hạng cao hơn trang web nói về chủ đề “tán gái thế nào” :D . Đây chính là yêu tố về sự liên quan của từ khóa.
Vì vậy, ít nhất hãy chắc chắn rằng bạn phải đề cập từ khóa để nó được xếp trên Google vào bài viết của bạn.
Vấn đề chính là việc lên kế hoạch!  Nếu bạn không nhắm vào bất kỳ từ khóa cụ thể nào để thử và xếp hạng cho nó, bạn chẳng xếp hạng được thứ gì đáng kể cả.
Tuy nhiên khi đề cập từ khóa của bạn trong bài viết, đừng đi quá giới hạn!  Đề cập từ khóa của bạn một hoặc hai lần trong bài viết của bạn là đủ rồi! Nếu trong đoạn văn nào mà bạn cũng đề cập đến từ khóa thì đây được gọi là “nhồi nhét từ khóa” và Google có thể thật sự làm cho thứ hạng của bạn thấp đi vì điều đó.  Bởi vậy, đừng tự hại mình bởi lạm dụng từ khóa – chỉ đề cập vài lần thôi là được rồi. Mình cũng bị dính chưởng về “nhồi nhét từ khóa” khi mới bắt đầu làm Product Launch. Tưởng nhiều là tốt mà. Chết vì tham.

Tiêu đề trang

Có lẽ giờ bạn đã hiểu sự liên quan của từ khóa là gì rồi.  Nhưng điều còn quan trọng hơn cả việc đề cập từ khóa trong bài viết của bạn là việc đưa từ khóa vào Tiêu đề trang! Google chú ý nhiều tới những gì được đề cập trong tiêu đề trang.  Điều này cũng rất hợp lý:  Tiêu đề bài viết của bạn sẽ cho biết nội dung của bài viết là gì.
Lần nữa, đây chỉ là vấn đề của việc lên kế hoạch.  Nếu bạn ngẫu nhiên viết blog về những gì bạn nghĩ về thế giới, bạn có thể đặt tên cho bài viết của mình là “Ý nghĩ của tôi về Tháng 11 2012″.  Bạn nghĩ rằng sẽ có bao nhiêu người đang tìm kiếm cụm từ đó trên Google?  Chẳng ai cả.
Nhưng giả định rằng với bài viết “Suy nghĩ của tôi”, bạn định viết về cách bạn đã học để cải thiện kĩ năng viết sơ yếu lý lịch của mình.  Bây giờ đơn giản bằng cách thay đổi tiêu đề thành “Cách để nâng cao kỹ năng viết sơ yếu lý lịch”; BÂY GIỜ thì bạn đã có được điều mà người ta thực sự tìm kiếm trên Google!
Đơn giản bằng cách tối ưu tiêu đề của bài viết, bạn có thể thấy sự khác biệt giữa hầu như không có lượt truy cập nào đến có rất nhiều luồng truy cập miễn phí từ Google.

Liên kết

Backlink là gì?  backlink đơn giản là “hyperlink (siêu liên kết)” đến trang web khác hoặc trang khác.  Các liên kết là cách để Google biết được nội dung nào đang được nói đến và điều gì có thể được coi là quan trọng.  Trang web càng có nhiều “like” hoặc nhiều liên kết thì càng có khả năng được  xếp hạng cao.
Các liên kết (links) từ các trang trang web càng có uy tín  thì càng có giá trị. Một liên kết từ CNN.com sẽ có giá trị hơn liên kết từ blog cá nhân mới lập nào đó.
Có người nghĩ rằng các liên kết là yếu tố quyết định để được xếp hạng trên Google.  Nhưng đó cũng chỉ là một phần trong số các yếu tố khác mà thôi. Đúng là nó có ích nhưng bạn nên chú trọng vào việc  tìm kiếm các từ khóa để xếp hạng có mức cạnh tranh thấp, xây dựng nội dung chất lượng cao, và tối ưu hóa các tiêu đề.
Sau khi đã có nội dung chất lượng, bạn có thể chia sẻ nó với những người khác trong cùng lĩnh vực, kết nối với những blogger liên quan, tham gia tích cực ở mảng truyền thông xã hội, và các trang khác sẽ bắt đầu liên kết với bạn!

Uy tín tên miền và Uy tín trang

Độ uy tín tên miền và Uy tín trang (Domain Authority và Page Authority) là các thuật ngữ được SEOmoz.org dùng định lượng uy tín trang web hay trang viết.  Trở lại ví dụ đã nêu ở trên với liên kết từ CNN.com (có độ uy tín cao hơn) thì quan trọng hơn liên kết từ một trang kém hơn.  Nếu bạn có thể có được liên kết từ một trang có uy tín cao thì sẽ hữu ích cho việc tăng thứ hạng của bạn.

Phân tích cạnh tranh

Với những điều nêu trên, bạn có thể bắt đầu hiểu được mức độ khó, dễ khi muốn xếp hạng cho từ khóa.  Đây là những gì cần xem khi phân tích top 10 kết quả trên Google:
  • Từ khóa được đề cập trong bài viết chưa?
  • Từ khóa có nằm trong tiêu đề trang không?
  • Bài viết có chất lượng cao không?
  • Có bao nhiêu liên kết dẫn đến trang?
  • Nguồn gốc của các liên kết đó?
  • Trang web được xếp hạng có độ Uy tín tiên miền và Uy tín trang cao không.
Đây chỉ là những điều cơ bản sưu tầm muốn được chia sẻ với các newbie thôi nhé, mình sẽ cập nhật các bài viết với các chủ đề chuyên sâu hơn. Cảm ơn bạn đã đọc bài.



                                                                                                                                                                    Source: Quancong